Truyện hay Chuyện là gì? Câu truyện hay Câu chuyện? Chuyện trò hay Truyện trò? Khi nào dùng từ nào? Điền Truyện/Chuyện vào chỗ trống.
Bạn có cho rằng chỉ có một từ đúng trong đó hay không? Chúng ta hãy cùng giải đáp tất cả mọi thắc mắc liên quan tới vấn đề này trong bài viết sau đây của DEMODA. Mời bạn đón đọc.
TRUYỆN hay CHUYỆN? Dùng khi nào?
Theo từ điển tiếng Việt, Truyện hay Chuyện đều là 2 từ đúng chính tả.
Tuy nhiên chúng sẽ được sử dụng trong những trường hợp nhất định.
Truyện là gì?
Truyện được hiểu là những tác phẩm văn học, tự sự khác nhau.
*Chú thích: Truyện là từ dùng cho các trường hợp nói về các tác phẩm văn học tự sự có tính chất: Có tính chất “tác phẩm. Tác phẩm đó sẽ bao gồm bối cảnh, không gian, thời gian, cốt truyện và biểu thị ý nghĩa hoàn chỉnh.
- Điển hình như: truyện trinh thám, truyện tiểu thuyết, truyện Doremon, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tranh…
Ví dụ trong văn bản:
- Những cuốn truyện cổ tích luôn để lại trong lòng người đọc nhiều bài học ý nghĩa.
- Truyện tranh Doremon chiếm gọn được nhiều tình cảm của các em trong nước và trên thế giới.
Chuyện là gì?
Chuyện nói về những câu chuyện đời thường, ở một lĩnh vực khác như chuyện vui, chuyện đời, chuyện tình, chuyện tầm phào,…
Ví dụ:
- Những câu chuyện đời thường đôi khi lại mang tới nhiều tiếng cười cho mọi người.
- Sau giờ làm việc, những câu chuyện vui sẽ giúp bạn xua tan được phần nào căng thẳng, mệt mỏi.
Câu truyện hay Câu chuyện?
.. Đáp án: Câu chuyện là từ chính xác!
Chuyện trò hay Truyện trò?
.. Đáp án: Chuyện trò là từ đúng mà bạn nên dùng trong mọi trường hợp.
Nó miêu tả về một cuộc nói chuyện ngắn giữa mọi người/vật với nhau.
Khi nào nên dùng từ Truyện hay chuyện
*Cách dùng “Truyện”:
- Tồn tại ở dạng văn bản, liên quan tới những hoạt động đọc, viết, xem như: đọc truyện, xem truyện, viết truyện,…
- Truyện được thiết kế chặt chẽ, cụ thể, đã có chọn lọc về ngôn ngữ kỹ càng, định lượng được số lượng và độ dài là bao nhiêu trang.
Ví dụ:
- Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, mẹ hay đọc truyện cho tôi nghe.
- Chị Diệp có mơ ước được trở thành 1 người viết truyện trinh thám tài ba.
*Cách dùng của Chuyện:
Bạn có thể ghi nhớ cách dùng của “Chuyện” là những trường hợp mà không thể dùng được “Truyện” như đã nói ở trên! 😀
Để mà liệt kê hết ra đây thì có vẻ hơi dài, nhưng nếu kiên nhẫn đọc một chút thì bạn thấy nó cũng không có gì mà khó hiểu cả. (Và đúng luôn với nhận định DEMODA đã ghi ở trên :P)
- Tồn tại ở dạng ngôn ngữ nói liên quan tới hoạt động kể, nghe, nói: kể chuyện, nói chuyện, nghe chuyện,…
- Những câu chuyện được nói ra thường không có chủ định từ trước, chúng mơ hồ, không có chọn lọc kỹ càng về ngôn ngữ, không định lượng được độ dài hay số lượng.
- Nói tới 1 sự việc được nhắc lại, kể lại: chuyện lạ, chuyện cũ, chuyện năm xưa,…
- Là một công việc nói chung như chuyện học hành, chuyện mẹ con,…
- Gây ra những việc lôi thôi, rắc rối như gây chuyện, có chuyện, xảy ra chuyện, chuyện đau lòng,…
- Nghĩ rằng điều đó là đương nhiên và không có gì phải bàn cãi: Chuyện! Còn phải nói, Chuyện! tỷ phú ai mà không giàu,…
Ví dụ:
- Câu chuyện mà Nguyên vừa nói chẳng có gì thú vị.
- Sau khi nghe chuyện xong, sao tôi thấy thương bé My quá.
- Quá khứ đã qua, đừng bao giờ nhắc lại những câu chuyện cũ nữa.
- Chuyện học hành của tôi chưa bao giờ làm hài lòng bố mẹ.
- Cứ mỗi lần gây chuyện, là thằng So lại tìm cách đùn đẩy cho tôi.
- Có những câu chuyện đau lòng luôn khiến người khác rơi nước mắt.
Hãy làm một bài tập nhỏ đề giúp bạn nhanh chóng hiểu hơn về cách dùng của Truyện/Chuyện nhé!
Điền Truyện hay Chuyện vào chỗ trống!
Đề bài: Điền từ Truyện hay Chuyện vào chỗ trống dưới đây
Kể (1)…. , phải trung thành với (2)……., phải kể đúng tình tiết của câu (3)….. , các nhân vật có trong (4)…. . Đừng biến giờ kể (5)… thành giờ đọc ….. (6).
Bài làm:
Kể (1) chuyện, phải trung thành với (2) truyện, phải kể đúng tình tiết của câu (3) chuyện, các nhân vật có trong (4) truyện. Đừng biến giờ kể (5) chuyện thành giờ đọc truyện (6).
Hệ quả khi dùng sai từ Truyện và chuyện
Thông qua những ví dụ trên, chúng ta đã biết cách sử dụng từ Truyện hay Chuyện sao cho hợp lý và phân biệt được chữ “Ch” và “Tr”.
Tuỳ vào mỗi trường hợp nhất định mà ta nên dùng đúng hoàn cảnh, đúng ngữ pháp. Tránh dùng sai để khiến người khác sai theo hay hiểu nhầm ý nghĩa mà bạn muốn truyền đạt.
Ví dụ 1: “Hàng xóm xung quanh nhà tôi toàn là những camera chạy bằng cơm, cực kỳ nhiều truyện“
-> Phân tích ví dụ:
Truyện là danh từ được tồn tại ở dạng văn bản như viết, đọc, xem…và có độ dài chính xác. Khi sử dụng trong câu trên là hoàn toàn sai.
Từ chính xác ở đây phải là nhiều chuyện, ý nói tới những bà hàng xóm chuyên đi soi mói nhà người khác sau đó đồn thổi nhau qua miệng chứ không qua bằng chứng xác thực. Câu chuyện đó được bộc phát trong lúc nói chứ không qua chọn lọc kỹ lưỡng, trau chuốt từ trước đó.
Ví dụ 2: “Chuyện Doremon là một phần ký ước tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x”
-> Phân tích ví dụ:
Chuyện là danh từ dùng để chỉ những câu chuyện đời thường thường được truyền lại qua miệng của người nói. Khi dùng để nói về truyện tranh Doremon là hoàn toàn bất hợp lý. Bởi đây là bộ truyện tranh cực dài đã được nhà sản xuất phê duyệt qua nhiều công đoạn trước khi xuất bản.
Từ chính xác phải là Truyện Doremon. Một tác phẩm được truyền qua hình ảnh và ngôn ngữ viết, được sàng lọc, chỉnh chu kỹ càng trước đó và vô cùng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Với những người không hiểu được ý nghĩa của hai từ Truyện và Chuyện hay mắc lỗi không phân biệt được “Tr” và “Ch” sẽ thường xuyên nhầm lẫn 2 từ này. Hãy trở thành một người thông thái, am hiểu tiếng Việt chính xác và cặn kẽ nhất.
Xem thêm:
Thông qua bài viết trên đây của DEMODA bạn đã hiểu được Truyện hay chuyện là gì? Khi nào dùng từ nào? Hãy ghi nhớ và thường xuyên cập nhật thêm những thông tin mới nhất tại Antimatter.vn nhé.